Thủy kích và ngập nước là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người đang nhầm lẫn là một.
Thế nào là ô tô ngập nước?
Ngập nước là tình trạng nước tràn vào khoang nội thất khi xe di chuyển qua vùng nước sâu. Hoặc trong các trường hợp xe đang dừng đỗ, không hoạt động thì bị ngập nước, nước mưa tràn vào nội thất và có thể ô tô bị ngâm nước trong một thời gian dài.
Trong trường hợp nước mưa chỉ mới tràn vào nội thất xe và làm ướt phần sàn nỉ thì chủ xe hoàn toàn yên tâm vì tình trạng này có thể dễ dàng khắc phục mà không bị ảnh hưởng nhiều đến giá trị xe.
Nhiều ô tô vô tình bị ngập nước do nước lũ dâng cao. Ảnh minh họa.
Với những trường hợp xe đi vào vùng nước quá sâu khiến nước tràn vào họng hút và gây chết máy thì tài xế cần tuyệt đối không được khởi động lại máy.
Lúc này để đảm bảo an toàn tài xế cần ngay lập tức tháo cọc bình ắc-quy để tránh chập cháy các hệ thống điện. Sau đó, gọi xe cứu hộ đưa về trung tâm sửa chữa gần nhất để khắc phục sự cố.
Ô tô điện cần kiểm tra gì sau khi lội nước?
Thủy kích khiến động cơ hư hỏng nặng
Thủy kích là thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong lĩnh vực ô tô để chỉ tình trạng nước xâm nhập vào khoang động cơ, buồng đốt theo đường ống nạp (cổ hút gió), vào bên trong động cơ khiến xe chết máy đột ngột.
Trong điều kiện thông thường, pít-tông sẽ nén hỗn hợp nhiên liệu – khí gồm nhiên liệu và không khí trong buồng đốt (xi-lanh). Tuy nhiên, khi nước xâm nhập vào bên trong buồng đốt, hoạt động của pít-tông sẽ bị cản trở.
Đây luôn là nỗi lo lắng lớn nhất của hầu hết các tài xế khi di chuyển qua những vùng ngập nước, đặc biệt những vùng có mức ngập đến quá tâm bánh xe. Vì khi xảy ra hiện tượng thủy kích chi phí để sửa chữa khắc phục có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thanh truyền (tay biên) bị cong, vênh do gặp tình trạng thủy kích. Ảnh minh họa.
Nếu đang đi qua khu vực ngập nước mà xe có dấu hiệu bất thường, người điều khiển xe cần tắt ngay động cơ để có thể giảm tối đa lượng nước tràn vào, cố gắng không đề nổ máy trở lại trừ khi chắc chắn nước đã rút hết khỏi buồng đốt bằng cách tháo bu-gi và kim phun.
Nếu không chắc chắn về tình trạng xe, chủ xe nên tìm cách đẩy xe lên vị trí cao ráo và gọi cứu hộ tới để xử lý, tránh làm nước tràn vào nhiều gây hỏng thêm các chi tiết máy khác.
Khi ô tô bị thủy kích dù có nhẹ cũng khiến chủ xe tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa. Hơn nữa, xe đã từng bị thủy kích sẽ khó bán và bị mất giá rất nhiều so với bình thường.
Nếu có bảo hiểm thân vỏ, chủ xe cần chụp ảnh lại hiện trường và thông báo ngay với đại diện bảo hiểm để tránh mất quyền lợi.