Kể từ tháng 1/2025, Giấy phép lái xe có những thay đổi, người dân cần chú ý kẻo mất quyền lợi.
Giấy phép lái xe là gì?
Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).
Giấy Phép Lái Xe có thay đổi lớn từ 2025
Những thay đổi về Giấy phép lái xe 2025
Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe từ năm 2025
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ 2008 là 13 gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.
Đồng thời, luật cũng thay đổi loại xe được lái trong từng hạng, ví dụ như:
– Hạng A1 mới cấp cho người lái xe mô tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối.
– Hạng A mới cấp cho người lái xe mô tô trên 125 phân khối.
Còn bằng A1 hiện nay cấp cho người lái xe mô tô từ 50 phân khối đến dưới 175 phân khối, bằng A2 hiện nay cấp cho người lái xe mô tô trên 175 phân khối.
– Hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 hiện nay mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh.
Khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước 1/7/2012
Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Theo đó, khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 sang giấy phép lái xe mẫu mới từ 1/1/2025. (GPLX trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, sau thời điểm trên là dạng PET).
Từ 1/1/2025, người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại GPLX trong các trường hợp:
– Giấy phép lái xe bị mất;
– Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;
– Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;
– Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;
– Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;
– Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm từ năm 2025
– Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
– Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm.
– Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo dự thảo thì tùy vào hành vi vi phạm mà sẽ bị trừ 2, 3, 4, 6, 8, 10, 12 điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính nên người vi phạm giao thông vẫn bị phạt tiền tương ứng với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hành vi nào đã bị trừ điểm thì sẽ không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
– Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
– Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo dự thảo, người lái xe máy khi bị trừ hết 12 điểm thì phải kiểm tra lý thuyết để phục hồi điểm, còn người lái xe mô tô khi bị trừ hết 12 điểm thì phải kiểm tra lý thuyết và mô phỏng để phục hồi điểm.