Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 550 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách thành phố. TP. Hà Nội cam kết hoàn thành công trình trước tháng 9/2025.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp nhằm bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo báo cáo, sông Tô Lịch hiện đang chịu tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân sinh sống dọc hai bên bờ.
Trước đây, Hà Nội đã triển khai các dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2, đồng thời đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Hiện trạng sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Khi nhà máy xử lý nước thải này đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2024 (dự kiến hoàn thiện toàn bộ hệ thống vào năm 2027), các nguồn nước thải sẽ được thu gom và xử lý, dẫn đến tình trạng khô cạn ở sông Tô Lịch.
UBND TP. Hà Nội cho biết, theo quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, việc bổ cập nước từ sông Hồng cho sông Nhuệ và sông Tô Lịch sẽ chưa thể hoàn thành trước giai đoạn 2026-2030.
Trong bối cảnh đó, việc nhanh chóng khôi phục dòng chảy sông Tô Lịch, đảm bảo cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, được xác định là nhiệm vụ cấp bách.
Đặc biệt, vào mùa khô, sông Tô Lịch có nguy cơ trơ lớp bùn đáy, gây ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Do vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất xây dựng công trình khẩn cấp để nhanh chóng bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, với tính khả thi cao và phù hợp thực tế.
Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 550 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành công trình trước tháng 9/2025.
Hiện tại, thành phố chưa công bố chi tiết phương án bổ cập nước, nhưng theo các chuyên gia, một phương án khả thi là xây dựng trạm bơm tại sông Hồng để dẫn nước về sông Tô Lịch thông qua hệ thống ống dẫn.
Theo đề xuất, ống dẫn nước sẽ được lắp đặt trong cống hộp bê tông cốt thép khi đi qua đê để đảm bảo an toàn.
Sau đó, hệ thống ống sẽ chạy dọc đường Võ Chí Công và dẫn nước về điểm đầu sông Tô Lịch tại khu vực mương Nghĩa Đô (đường Hoàng Quốc Việt). Tại đây, một bể lắng có thể được xây dựng nhằm giảm lượng phù sa từ nước sông Hồng trước khi đưa vào sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch – một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.
Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.
Qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một con sông rộng lớn mang giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch nay biến thành một cống nước thải đen ngòm. Sự suy thoái này không chỉ làm Thủ đô mất đi một di sản quý giá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong suốt nhiều thập kỷ.