CEO Huyền Phi cho biết trò chơi bắn dây chun minh họa sự đoàn kết và tinh thần đội nhóm và khẳng định nó đã chạm đến cảm xúc của những người tham gia.
Ngày 23/9, mạng xã hội dậy sóng trước đoạn clip ghi lại một buổi đào tạo bán hàng, trong đó các thành viên bị bắn chun vào tay đến mức sưng đỏ. Đoạn clip cho thấy một số phụ nữ đứng trên sân khấu, bị bắn chun mạnh vào cổ tay trong khi người tổ chức liên tục đặt câu hỏi tại sao hội nhóm “không trung thực”, “không nỗ lực” và bị nhận xét là “không xứng đáng làm người đứng đầu”…
Những cú bắn chun đã khiến hai người phụ nữ trên sân khấu đau đớn đến bật khóc, trong khi cả hội trường cũng xúc động theo. Đoạn video này nhanh chóng lan truyền và nhận về nhiều chỉ trích, nhiều người cho rằng trò chơi “đào tạo” này là hành động gây đau đớn không cần thiết.
Theo đoạn video chia sẻ, sau màn bắn chun đầy đau đớn, 2 nhân vật cùng ôm nhau khóc
Trước làn sóng phản ứng từ cộng đồng mạng, tối 23/9, CEO thương hiệu mỹ phẩm Hoàng Phi Huyền đã lên tiếng giải thích. Cô cho biết trò chơi này nhằm minh họa sự đoàn kết và tinh thần đội nhóm và khẳng định nó đã chạm đến cảm xúc của những người tham gia. Tuy nhiên, do đoạn video bị chia sẻ không đúng bối cảnh, dẫn đến những hiểu lầm không mong muốn. CEO cũng hứa sẽ rút kinh nghiệm trong các chương trình đào tạo sau này.
Huyền Phi Cosmetics bị phạt, thu hồi và đình chỉ lưu hành sản phẩm
Huyền Phi Cosmetics từng nhiều lần bị xử phạt do các vi phạm liên quan đến sản phẩm chứa chất cấm và quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt, vào tháng 3/2023, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm “Serum thâm X2” của thương hiệu này trên toàn quốc. Mẫu kiểm nghiệm của sản phẩm này chứa Hydroquinone, một chất không được phép có trong mỹ phẩm chăm sóc da.
Ngoài việc thu hồi sản phẩm, Sở Y tế TP. Hà Nội đã xử phạt Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi 162,5 triệu đồng. Trước đó, công ty cũng bị phạt 45 triệu đồng vì vi phạm quy định quảng cáo đối với sản phẩm “Serum Inod khử mùi hôi nách”, bị cáo buộc thổi phồng công dụng và lừa dối người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở mỹ phẩm chăm sóc da, thời điểm năm 2020, sản phẩm giảm cân “Đằng sâm nang” của Huyền Phi Cosmetics cũng bị phát hiện chứa chất cấm Sibutramine với hàm lượng rất cao – một chất có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và thậm chí đột quỵ. Sự vi phạm này đã khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và an toàn của các sản phẩm do Huyền Phi phân phối.
Kiểm định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm giảm cân của Huyền Phi Cosmetics chứa chất cấm
Trước đó, qua quá trình kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 16 và Đội cảnh sát kinh tế Công an quận Long Biên (Hà Nội) kiểm tra cơ sở bán hàng Huyền Phi phát hiện hơn 2.000 sản phẩm là hàng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Số hàng hóa trên thuộc 15 chủng loại khác nhau bao gồm: ủ tảo xoắn Alota, sữa rửa mặt, tắm trắng thuốc bắc, gel tẩy tế bào chết, kem face nano, tinh chất sâm tố nữ, sữa dành cho người gầy Naruta Gain…
Tất cả các sản phẩm đều mang nhãn hiệu của Công ty TNHH mỹ phẩm Huyền Phi. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, toàn bộ các sản phẩm này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Tới năm 2022, liên quan đến sản phẩm khử mùi INOD của Công ty TNHH mỹ phẩm Huyền Phi, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt doanh nghiệp này số tiền 45 triệu đồng về vi phạm chưa có xác nhận nội dung quảng cáo.
Quy mô công ty Huyền Phi
Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi thành lập ngày 11/05/2017 với vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng do bà Hoàng Phi Huyền làm Tổng Giám đốc. Ngành nghề chính là sản xuất mỹ phẩm, buôn bán thực phẩm chức năng, buôn bán nước hoa, mỹ phẩm, dụng cụ y tế…
Theo giới thiệu trên website của doanh nghiệp, kể từ khi thành lập, công ty này đã phát triển “thần tốc”.
Nguồn: Mỹ phẩm Huyền Phi
Hiện tại, Huyền Phi đã phát triển hệ thống với 15.000 thành viên, bán ra hơn 5 triệu sản phẩm. Nữ CEO gắn liền với những khóa học hoành tráng với đông đảo người tham dự theo lời giới thiệu để bồi dưỡng tư duy kinh doanh ngành hàng mỹ phẩm như : Xây dựng chiến lược bán hàng; Xây dựng các kênh bán hàng online; Xây dựng, quản lý hệ thống đại lý, cộng tác viên; Xây dựng thương hiệu cá nhân – Đột phá doanh số hiệu quả trên đa kênh mạng xã hội – Bí quyết chốt sale – kích sale – Bí quyết chăm sóc khách hàng… cùng nhiều tình huống phát sinh và cách giải quyết tình huống trong kinh doanh online.
Nữ CEO Huyền Phi trong một sự kiện đào tạo
Sau khi sự kiện đào tạo gây tranh cãi được lan truyền, nhiều người đã “đào lại” những vi phạm trước đó của thương hiệu này, khiến dư luận tiếp tục hoài nghi về chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm mà Huyền Phi đang kinh doanh. Cộng đồng mạng đã kêu gọi Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu này, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Với những vi phạm liên tiếp liên quan đến chất lượng sản phẩm và các hoạt động quảng cáo không trung thực, Huyền Phi Cosmetics đang đối mặt với áp lực từ phía người tiêu dùng và giới truyền thông. Nhiều người cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ và minh bạch chất lượng sản phẩm mỹ phẩm là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm đang ngày càng phát triển và có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng.